Di dân đến Úc được học bơi dưới sự hướng dẫn của giáo viên là người tị nạn

Một trung tâm thể thao dưới nước đã bắt đầu một dự án thuê người tị nạn làm nhân viên cứu hộ và giáo viên dạy bơi nhằm khuyến khích cộng đồng học cách giữ an toàn khi ở dưới nước.
Theo chia sẻ của Eisha Yawarish, những năm thiếu niên ở Syria, anh thường dành thời gian đi bơi ở hồ bơi địa phương. Nhưng khi chiến tranh nổ ra, anh không thể đến bơi nữa.
Năm 2015, gia đình Eisha lánh nạn sang Úc. Và hiện nay sau khi tái định cư tại Sydney, chàng trai 23 tuổi này lại tiếp tục xem hồ bơi lại nơi thỏa niềm đam mê bơi lội của mình.
“Tôi cảm thấy thư giãn, tôi cảm thấy tự do, tôi cảm thấy một trải nghiệm hoàn toàn tuyệt vời.", anh chia sẻ.
Khi trở thành nhân viên cứu hộ và giáo viên dạy bơi đủ tiêu chuẩn, Eisha khuyến khích những di dân khác và con cái họ vui chơi với nước.
Được biết, khóa đào tạo của anh là một phần trong sáng kiến chung của Hội đồng Cumberland, ở phía tây Sydney và một chuỗi các tổ chức địa phương. Cụ thể, các sáng kiến này bao gồm Trung tâm thể thao dưới nước Auburn Ruth Everuss ở Lidcombe, trường Bankstown Senior College và STARTTS, từ viết tắt của Dịch vụ điều trị và phục hồi tra tấn và chấn thương.
Theo chia sẻ của David Burns, Giám đốc khu vực tại trung tâm Auburn Ruth Everuss, nơi này được thành lập không chỉ để cung cấp việc làm cho người tị nạn, mà còn đa dạng hóa nhân viên tại hồ bơi địa phương. Những di dân đến thăm trung tâm thể thao dưới nước này thường không biết bơi.
Và ông Burns cho biết, bằng cách thuê nhân viên cứu hộ và giáo viên dạy bơi có kiến thức và kinh nghiệm, di dân sẽ cảm thấy kết nối và tự tin hơn trong hồ. Tại trung tâm này cung cấp các chương trình cho mọi đối tượng từ trẻ sơ sinh đến người già, đến người khuyết tật, đến các chương trình cho tất cả các nhóm di cư khác nhau.
Điển hình trong cách dạy bơi này là Rami Botani, người gốc I-rắc, một nhân viên cứu hộ tị nạn khác làm việc tại bể bơi. Theo đó, anh có thể nói tiếng Ả Rập và cho biết mình thường giúp giải thích các quy tắc bể bơi và an toàn dưới nước cho những khách đến trung tâm gặp khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng Anh.
Thông thường những người mới đến Úc có thể miễn cưỡng đăng ký cho bản thân hoặc con cái họ vào các lớp học bơi, thường là do rào cản ngôn ngữ và văn hóa. Hiện Eisha đang hy vọng anh có thể khuyến khích các gia đình khác làm được điều này, bỏ đi những rào cản ngôn ngữ để có thể học bơi thành thạo nhờ những huấn luyện viên bản địa như anh.