TQ đá nh vào niềm tự hào dân tộc của Úc: Thủ tướng Morrison từng giơ cục than lớn và nói 'đừng sợ'

TQ đá nh vào niềm tự hào dân tộc của Úc: Thủ tướng Morrison từng giơ cục than lớn và nói 'đừng sợ'

Trung Quốc đang buộc Úc phải đối mặt với một thực tế mà nhiều nước đã thấy: Thời đại than đá đang kết thúc.

Trung Quốc cấm nhập khẩu than từ Úc

Trung Quốc hiện đã chính thức cấm nhập khẩu than từ Úc. Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp hạn chế không rõ ràng đối với nhập khẩu than của Úc khiến thương mại giữa hai nước giảm đáng kể và các tàu lớn bị mắc cạn trên biển, theo The New York Times (NYT-Mỹ).

Đối với Úc, nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới, quyết định của Trung Quốc là một đòn nặng nề, dẫn đến nguy cơ khiến thị trường xuất khẩu than lớn thứ hai của Úc biến mất. Hiện nay, rất nhiều quốc gia đang xem xét lại về sự phụ thuộc vào loại nhiên liệu hóa thạch bẩn này, và việc sử dụng than đá đã đẩy nhanh ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra.

Đối với một quốc gia đã gắn số phận của mình với than đá hơn 200 năm, tác động từ quyết định của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng rất sâu sắc. Được biết, chính phủ Úc hiện tại đang quyết tâm giảm thiểu tối đa biến đổi khí hậu, điều đã khiến việc cắt giảm nhập than của Trung Quốc trở thành một cú sốc mang tính biểu tượng, văn hóa và kinh tế.

Richie Merzian, Giám đốc chương trình khí hậu và năng lượng tại Viện Úc, cho biết: "Chúng ta thực sự phải chuyển đổi. Hiện nay, thật khó để thấy tình hình trở nên tốt hơn".

Thủ tướng Scott Morrison lên nắm quyền nhờ vào sự phụ thuộc truyền thống của Úc đối với nhiên liệu hóa thạch. Ông từng giơ một cục than lớn tại quốc hội vào năm 2017 và tuyên bố "đừng sợ", trở thành thủ tướng trong một cuộc đảo chính nội bộ sau khi người tiền nhiệm Malcolm Turnbull, cố gắng theo đuổi một cách tiếp cận tích cực hơn để chống biến đổi khí hậu.

Một số nhà phê bình gọi Morrison là "Coal-Mo" (than đá). Hôm thứ Tư (9/12), ông bác bỏ lo ngại về lệnh cấm của Trung Quốc, đồng thời nói rằng nhiều nước khác vẫn đang xếp hàng để mua than của Úc.

Morrison nói: "Tôi cần nhấn mạnh rằng thị trường xuất khẩu than lớn nhất của chúng ta, phần lớn những quốc gia nhập khẩu than của chúng ta, thực sự là Nhật Bản và Ấn Độ. Do đó, khi nói về nhiệt than hoặc luyện kim, Trung Quốc không phải là nhà nhập khẩu chính của chúng ta".

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu than đạt khoảng 50 tỷ USD của Úc vào năm ngoái, thì Nhật Bản chiếm 27%, Trung Quốc cũng không kém xa với 21%. Ấn Độ đứng thứ ba với 16%.

Niềm tự hào dân tộc của Úc bị tổn thương

Niềm tin của ông Morrison vào than đá hầu như không phải là duy nhất. Đá dễ cháy là "đặc sản" của Úc. Nó được phát hiện lần đầu tiên trên lục địa Úc vào năm 1797, chưa đầy một thập kỷ sau khi những người Anh định cư đầu tiên đến. Kể từ đó, toàn bộ xã hội đã được xây dựng và đi lên từ than đá, không chỉ các mỏ than mà còn các cảng than ngày càng mở rộng, từ đó các tàu hàng vận chuyển hàng núi than đi khắp thế giới.

Than đá không phải là một ngành cung cấp cơ hội việc làm lớn. Chỉ có khoảng 50.000 người tham gia khai thác than ở Úc vào năm ngoái.

Nhưng than đá là một sản phẩm thu lợi nhuận lớn. Sản lượng than của Úc đã tăng hơn gấp đôi trong 30 năm qua và thị phần xuất khẩu của nước này đã tăng từ 55% vào năm 1990 lên 75% trong năm tài chính 2017.

Năm ngoái, chỉ riêng chi phí quyền khai thác than ở Queensland đã gần 4 tỷ USD.

Từ Thung lũng Hunter, cách Sydney vài giờ lái xe, đến Mackay gần Great Barrier Reef, than đá từ lâu đã được nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Nó xuất hiện trên tàu hỏa, trên biển. Than đá mang lại cho Úc một vị trí trên thế giới. Đối với nhiều người Úc, than đá khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

Trung Quốc đã giảm dần nhập khẩu than của Úc từ tháng 8 năm nay, nay lại ban hành lệnh cấm, điều này khiến hình ảnh của than đá ở Úc trở nên mờ nhạt đi.

Glencore, một trong những công ty khai thác than lớn nhất của Úc, đã tạm thời đóng cửa một số mỏ than vào tháng 9 và tháng 10.

Ở Mackay, các chuyến vận chuyển than tại cảng ngày càng giảm và nỗi lo mất việc làm cũng như thay đổi lối sống của người dân ngày càng gia tăng.

Sau khi thông tin từ Trung Quốc được công bố, cổ phiếu của các công ty than Úc đã giảm mạnh trong tuần qua.

Cơ quan định giá S&P Platts ước tính chỉ trong quý đầu tiên của năm tới, Úc sẽ mất doanh thu lên tới 32 tấn than nhiệt điện - loại than cho các nhà máy điện - mà lẽ ra phải được chuyển sang Trung Quốc.

Xu hướng thế giới thay đổi

Đầu năm nay, Nhật Bản tuyên bố sẽ loại bỏ khoảng 100 nhà máy nhiệt điện than kém hiệu quả nhất và đầu tư vào năng lượng tái tạo. Tân Thủ tướng Nhật cam kết hồi tháng 10 rằng, nước này cam kết sẽ đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050.

Hàn Quốc và Đài Loan là hai trong số 5 khách hàng mua than nhiều nhất của Úc, cũng đã công bố các mục tiêu giảm phát thải nghiêm ngặt hơn, có thể đồng nghĩa với việc giảm sử dụng than.

Đối với ngành than đá, xu hướng rộng lớn hơn bên ngoài Trung Quốc đã thu hút nhiều sự chú ý hơn. Nhóm các nhà khoa học nghiên cứu vấn đề ấm lên toàn cầu của Liên hợp quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng nền kinh tế thế giới cần phải được chuyển đổi hoàn toàn để tránh gây ra những phá hoại môi trường và kêu gọi tránh xa than đá.

Tuy nhiên, ông Clinton Dines, cựu giám đốc BHP Trung Quốc, cho biết những chuyển đổi vẫn chưa thực sự xảy ra nhanh chóng đối với ngành công nghiệp khai thác than.

Ông chỉ ra rằng mặc dù có những dấu hiệu cho thấy một số quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi than đá nhưng các nhà máy nhiệt điện than ở Ấn Độ, Trung Quốc và các nơi khác vẫn đang được xây dựng, ngay cả khi nhu cầu chung giảm.

Trong khi đó, theo NYT, đối với Trung Quốc, thương mại luôn là một phép tính phức tạp trong mạng lưới sản phẩm và doanh nghiệp. Ngay cả sau khi Bắc Kinh nhằm vào than đá, rượu vang, lúa mạch và thịt bò của Úc, xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc có thể vẫn duy trì hoặc tăng vào năm 2020, trong đó, quặng sắt chiếm một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu. Dines dự đoán, chắc chắn Trung Quốc có thể dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu than sau khi các công ty khiếu nại.

Tuy nhiên, vì năng lượng hiện đang giao thoa với nền kinh tế và sức khỏe sinh thái địa cầu nên nhiều nhà phê bình than ở Úc cảm thấy ngành khai thác than đá đang ở bước ngoặt.

Các ngân hàng ở nhiều nước từ chối tài trợ cho các dự án khai thác than. Washington có một tổng thống mới, người cam kết nỗ lực cùng thế giới để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, trong khi quan điểm của Thủ tướng Morrison - bao gồm việc ông từ chối cam kết đưa lượng khí phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050 - đã khiến đất nước ngày càng trở nên xa lánh thế giới.

Hồi tuần trước nữa, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã rút lại yêu cầu ông Morrison có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, đặt nghi vấn liệu Úc có đủ nỗ lực để giành được cơ hội này hay không.

Ông Merzian thuộc Viện Úc cho biết: "Úc giống như một chàng trai thích tiệc tùng, ở độ tuổi tuổi 40 hoặc 50 nhưng vẫn sống ở tuổi hơn 20. Mọi người đều coi trọng việc này vì nó liên quan đến sức khỏe của họ và họ hiểu điều đó, nhưng Úc vẫn đang cố gắng trút bỏ sức trẻ của mình"

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất