Trung Quốc cảnh báo Úc không được về phe Mỹ chống lại nước này

Đó là một phần trong những chia sẻ của nhà báo Peter Hartcher về Đối thoại cấp cao Úc - Trung Quốc mà ông được tham gia với tư cách là đại biểu.
Trong khi trên khắp cả thế giới đều đưa ra phản ứng sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, thì chúng ta lại không nghe được gì từ phía Trung Quốc cả.
Trung Quốc đang nghĩ gì? Cho đến nay, phản ứng chính thức duy nhất chỉ là cuộc gọi điện thoại chúc mừng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 6 ngày sau sự kiện này.
Đã có những lời khẳng định và suy đoán đối lập nhau từ nhiều học giả Trung Quốc, và một số hình ảnh biếm họa từ tờ báo siêu dân tộc chủ nghĩa của nhà nước - tờ Global Times (Thời báo Hoàn cầu).
Chúng bao gồm một bức hình hoạt họa, hình ảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đất nước là đối thủ số một của Trung Quốc, đang đổ mồ hôi dữ dội khi nhìn vong quay của chiếc máy đánh bạc hiện lên hình ông Trump.
Ảnh: Ông Peter Hartcher - biên tập viên chính trị và quốc tế của tờ Sydney Morning Herald
Việc ông Trump chỉ trích Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật có thể mở ra những chia rẽ giữa Washington và Tokyo. Đó sẽ là một giấc mơ thành hiện thực đối với Bắc Kinh.
Một trong những hy vọng chưa thành hiện thực của Trung Quốc là hệ thống đồng minh của Mỹ ở châu Á sụp đổ.
Tờ Global Times cũng đe dọa rằng Trung Quốc sẽ trả đũa nếu ông Trump thực hiện chiến dịch áp đặt mức thuế 45% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Những suy nghĩ thật của chế độ về ông Trump đã được giữ lại và hiện là một bí ẩn.
Tuy nhiên, một số cái nhìn thoáng qua đầy thú vị đã xuất hiện vào tuần trước trong một cuộc đối thoại hàng năm giữa Trung Quốc và Úc.
Bắc Kinh đã tổ chức Đối thoại cấp cao Úc - Trung Quốc. Đoàn đại biểu 16 người của Úc được dẫn đầu bởi Cựu Bộ trưởng Tài chính Peter Costello. Đối tác phía bên kia của ông là Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Triệu Tinh cùng một phái đoàn các cựu quan chức, dân sự và quân sự, cộng với các doanh nhân và học giả.
Sự kiện kéo dài một ngày đã được tổ chức theo quy định của Chatham House. Vì vậy, tôi có thể cho bạn biết những gì đã được nói, nhưng không thể tiết lộ rằng ai đã nói ra điều nào. Nói chung, quan điểm của Trung Quốc là, trong khi nhiều điều vẫn còn chưa chắc chắn, kết quả đối với Trung Quốc không phải là xấu.
Mỹ đã phải chịu những hậu quả của sự dàn trải quá sức, "một sự dàn trải quá sức dài hạn của quyền lực trong việc theo đuổi sự thống trị toàn cầu. Đó là sự không bền vững về mặt chính trị, kinh tế và về tài chính".
Ông Trump, theo như kỳ vọng chủ yếu của phía Trung Quốc, “ muốn tập trung sự chú ý nhiều hơn vào việc giải quyết các vấn đề trong nước - Tôi nghĩ rằng đây là điều phải làm".
Về các mối đe dọa thương mại của ông Trump, "ông ấy là một doanh nhân và tôi chắc chắn ông ấy sẽ cân nhắc những ưu và khuyết điểm," bởi vì "không ai muốn một cuộc chiến tranh thương mại cả. Các nhóm lobby sẽ gây áp lực với ông, Quốc hội sẽ cố gắng định hình chương trình nghị sự."
Là một quốc gia không cho phép dân chủ tham gia, Trung Quốc có đánh giá sâu sắc về cách thức hoạt động của điều đó tại Mỹ: "Tại Nhà Trắng, ông ấy sẽ phải điều chỉnh chính sách của mình một cách hợp lý, vì lợi ích của nước Mỹ. Vì vậy, chúng ta phải chờ xem họ sẽ thay đổi chính sách tái cân bằng của mình như thế nào," một sự ám chỉ tới “chính sách xoay trục” của ông Obama hoặc “tái cân bằng” châu Á.
Khi được hỏi Bắc Kinh muốn thấy cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương thay đổi như thế nào, một đại biểu nói: "kể từ Thế chiến II, cấu trúc an ninh lớn nhất là hệ thống đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á.”
"Đó là một mạng lưới liên minh quân sự. Từ quan điểm của Trung Quốc, ý kiến của chúng tôi chắc chắn là khác với Úc hay những đồng minh khác của Mỹ. Hệ thống của Mỹ là không đủ. Nó đã làm tăng những bất đồng và sự cố. Ít nhất là chúng tôi cần một sự chọn lựa khác để đạt được an ninh chung."
"Trung Quốc cho rằng vấn đề này không được giải quyết. Chủ tịch Tập đã kêu gọi phải thiết lập một cấu trúc an ninh khác trong khu vực" trong một bài phát biểu năm 2014.
"Chúng tôi không có một đề nghị nào cả. Chắc chắn, chúng tôi không thể thay thế Mỹ. Chúng tôi không có khả năng, và các đồng minh của Mỹ không muốn chúng tôi làm vậy."
Trong trường hợp Mỹ áp dụng các đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc, nước này đã đưa ra lời cảnh báo phủ đầu đối với Úc, rằng không được theo phe Washington để chống lại Bắc Kinh.
Ảnh: Ông Peter Hartcher - biên tập viên chính trị và quốc tế của tờ Sydney Morning Herald
"Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Úc đang đứng trước thời điểm then chốt."
"Chúng tôi hy vọng nhân tố Mỹ sẽ được xử lý đúng cách," một đại biểu nói. Số phận của thỏa thuận thương mại TPP, mà ông Trump đang cho rằng việc rút khỏi là một ưu tiên hàng đầu, là một bài học rằng "Mỹ luôn chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình."
Một đại biểu khác cho biết: "Tranh chấp Mỹ - Trung Quốc không nên tự động trở thành mối bất hòa Trung Quốc - Úc."
"Các bạn cần phải xem xét đến lợi ích của Trung Quốc khi phát triển quan hệ với Mỹ."
Một đại biểu khác, thậm chí còn dứt khoát hơn: "Chỉ riêng các mối quan hệ kinh tế sẽ không thể nào giúp duy trì được mối quan hệ song phương."
Tình trạng căng thẳng về chiến lược và quân sự có thể "đe dọa toàn bộ mối quan hệ".
Cũng đã có những ý kiến công kích lẫn nhau giữa các đại biểu của hai quốc gia.
Cả hai bên nhiều lần tuyên bố rằng trong khi Mỹ và châu Âu đang từ bỏ các chương trình nghị sự thương mại và đầu tư tự do, thì Trung Quốc và Úc không làm như vậy. Và như vậy, cùng nhau, hai nước có thể trở thành mẫu mực toàn cầu.
Các đại biểu tin tưởng rằng các thành viên cao cấp của cả hai bên đã sẵn sàng để tuyên bố công khai quan điểm của họ.
"Trung Quốc ủng hộ tự do hóa đầu tư và thương mại", ông Chu Văn Trọng, cựu đại sứ Mỹ và Úc, cựu thứ trưởng ngoại giao và hiện tại là tổng thư ký Diễn đàn châu Á Bác Ngao nói.
"TPP đã 'chết'", ông nói với tôi, "nhưng Trung Quốc ủng hộ các giải pháp thay thế, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)và Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP)", cả hai đều có bao gồm Trung Quốc và Úc.
"Chúng tôi ủng hộ các chính sách mở cửa bởi vì nó đã rất thành công - nó đã giúp cho Trung Quốc có thể tiến xa như vậy."
Ông Peter Costello nói thêm: "Đây là cơ hội cho Úc và Trung Quốc để cho thấy thương mại mở và tự do có thể mang lại lợi ích. Một cánh cửa đóng lại và một cánh cửa khác sẽ mở ra."
Hoặc như câu mà một đại biểu đã sử dụng trong cuộc đối thoại: "Chó cứ sủa nhưng đoàn người vẫn cứ đi."
Khi "đoàn người Mỹ" đã "lao ra khỏi đường" và vào giữa rất nhiều "tiếng sủa", Bắc Kinh rất muốn đảm bảo rằng Úc ở càng xa càng tốt, phía sau "đoàn người Trung Quốc".