Úc: Gia tăng nắng nóng, mùa cháy kéo dài và hạn hán

Úc: Gia tăng nắng nóng, mùa cháy kéo dài và hạn hán

Theo báo cáo về tìn h hình khí hậu của Úc, tại nước này đang gia tăng kéo dài về tần suất các sự kiện nắng nóng khắc nghiệt, thời tiết gây ra cháy rừng và hạn hán.

Báo cáo của Cục Khí tượng và CSIRO cho biết, nước Úc đang trải qua thời tiết nắng nóng khắc nghiệt hơn, mùa cháy kéo dài hơn và mực nước biển dâng cao cùng với sự biến đổi khí hậu.

Được biết, báo cáo này công bố 2 năm một lần, đo lường sự biến động và xu hướng kéo dài được quan sát thấy ở khí hậu Úc.

Theo báo cáo năm 2018, xu hướng ấm lên trong thời gian dài của Úc đang gia tăng, với thời tiết nóng hơn chỉ hơn 1 độ C kể từ năm 1910 khi kỷ lục bắt đầu.

Chính sự nóng lên này đang góp phần làm tăng tần suất các sự kiện nắng nóng, thời tiết và hạn hán gây cháy rừng.

Helen Cleugh, Giám đốc trung tâm khoa học khí hậu của CSIRO nhấn mạnh, Úc hiện đang trải qua biến đổi khí hậu và nhiều cộng đồng cũng như nhiều ngành nghề đang hứng chịu những tác động do biến đổi khí hậu gây ra.

Ngoài ra, báo cáo này còn tiết lộ những phát hiện quan trọng về khí hậu Úc như: Mùa cháy rừng của Úc đã kéo dài và nghiêm trọng hơn; số ngày nắng nóng cực độ tiếp tục có xu hướng tăng; thời tiết khô hơn xảy ra ở phía Đông Nam và Tây Nam nước Úc trong các tháng từ tháng 4-10; lượng mưa trên khắp miền Bắc nước Úc đã tăng lên từ những năm 1970, đặc biệt là trong mùa mưa nhiệt đới ở phía Tây Bắc nước Úc.

Cục Khí tượng và Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO) cho biết mùa cháy rừng của Úc kéo dài và nghiêm trọng hơn. Ảnh: Qfes Media

Thông tin cho biết, kể từ năm 1910, các đại dương trên khắp nước Úc đã ấm lên khoảng 1độ C. Điều này dẫn đến sóng nhiệt biển dài hơn và thường xuyên hơn ảnh hưởng đến sinh vật biển như san hô.

Còn mực nước biển quanh Úc đã tăng hơn 20 cm kể từ khi các kỷ lục bắt đầu và mực nước biển gia tăng với tốc độ cao.

Theo Karl Braganza, nhà khoa học khí hậu thuộc Cục Khí tượng Úc (BoM), sự gia tăng nhiệt độ trung bình có tác động đến tần suất hoặc số lượng cực đoan mà Úc trải qua trong bất kỳ năm nào.

Cũng theo ông, lượng mưa giảm 20% ở phía Tây Nam nước Úc và ở một số nơi lượng mưa này giảm tới 26%. Ở phía Đông Nam nước này, lượng mưa từ tháng 4 - 10 đã giảm 11%.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nhấn mạnh sự gia tăng số ngày nguy hiểm do hỏa hoạn ở nhiều vùng của Úc, đặc biệt là ở phía Nam và phía Đông.

Nói về điều này, ông Braganza cho rằng đã có một sự thay đổi rõ ràng cho thấy một mùa cháy kéo dài, thời tiết khắc nghiệt gây cháy nhiều hơn trong mùa đó và mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng.

Còn theo ông David Cazzulino, nhà vận động rạn san hô Great Barrier thuộc Hiệp hội bảo tồn biển Úc: “Đây là sự kiện phức tạp sẽ gặp nhiều thách thức nhất trong tương lai về mặt thích ứng với biến đổi khí hậu ở Úc”.

Ông cho hay, những rủi ro xung quanh các đại dương khi chúng nóng lên một độ kể từ năm 1910 là một hồi chuông cảnh tỉnh lớn. Tác động của biến đổi khí hậu đối với Rạn san hô Great Barrier và chính sách biến đổi khí hậu nói chung sẽ là một vấn đề về chiến dịch quan trọng trước cuộc bầu cử liên bang năm 2019.

Song Ngư (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất